Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Bù Đănghttps://ttdvnnbudang.com/uploads/blank.png
Thứ năm - 27/06/2024 04:56
Quy định mới về việc hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bị dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và bệnh Viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Quy định mới về việc hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bị dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và bệnh Viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Ngày 17/06/2024, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành văn bản số 2192/UBND-TH về việc hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và bệnh Viêm da nổi cục. Theo đó, các hộ chăn nuôi có gia súc bị dịch bệnh được chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý về chăn nuôi thú y tiêu huỷ sẽ được hỗ trợ thiệt hại theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính Phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Định mức hỗ trợ đối với lợn bị tiêu huỷ do dịch bệnh là 38.000 đồng/kg hơi; định mức hỗ trợ đối với trâu, bò bị tiêu huỷ do dịch bệnh là 45.000 đồng/kg hơi. Đây là văn bản được người chăn nuôi có gia súc bị thiệt hại do dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chờ đợi, mong mỏi sớm được hỗ trợ để khắc phục một phẩn thiệt hại kinh tế và khôi phục chăn nuôi, tiếp tục phát triển kinh tế gia đình.
Cán bộ thú y lấy mẫu bệnh phẩm lợn chết để xét nghiệm khẳng định bệnh Dịch tả Châu Phi trên địa bàn huyện Bù Đăng năm 2024
Bê con chết do bị Viêm da nổi cục
Điều kiện để các hộ chăn nuôi có gia súc bị dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và Viêm da nổi cục được hưởng chính sách hỗ trợ thiệt hại theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP gồm: 1. Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương. 2. Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản (theo Mẫu số 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng. 3. Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. 4. Thời điểm xảy ra thiệt hại: b) Đối với dịch bệnh: Trong khoảng thời gian từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên (chưa đủ điều kiện công bố dịch) cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch. Ngoài ra, người chăn nuôi phải báo cáo dịch bệnh với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để được xác định chính xác dịch bệnh; đồng thời chính quyền địa phương huy động lực lượng, phối hợp với đơn vị chuyên môn thực hiện tiêu huỷ gia súc chết, gia súc bị bệnh theo quy định; lập biên bản, ghi nhận rõ số con, chủng loại gia súc và khối lượng hơi làm cơ sở để đề nghị UBND cấp huyện hỗ trợ thiệt hại. Quy định mới được ban hành là căn cứ để các địa phương chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh. Mặt khác, việc hỗ trợ kịp thiệt hại thời góp phần khuyến khích người chăn nuôi báo cáo dịch bệnh với chính quyền địa phương và cơ quan thú y; tránh tình trạng bán chạy dịch, bán rẻ, vứt xác gia súc chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh./.
Nguyễn Thường – Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng