Ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp
Trong Kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) năm 2023, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu tiếp tục triển khai thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 297/KH-UBND ngày 17/9/2021 của UBND tỉnh về việc đưa sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025. Thông qua CĐS sẽ giúp toàn ngành nông nghiệp, các hộ nông dân, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Hoàng Mạnh Thường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Phước cho biết: Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai đến tất cả các sở, ngành của địa phương; phối hợp cùng Sở NN&PTNT triển khai công tác tuyên truyền, tổ chức các hội thảo tham vấn ý kiến từ các chuyên gia để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hiện tỉnh Bình Phước đã đưa vào 20 xã và 2 doanh nghiệp HTX thí điểm CĐS toàn diện; thực hiện thí điểm 19 cơ sở với mã vùng trồng, với 1.997 ha, sản lượng 223.000 tấn/năm; ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn trong và ngoài nước, có 8 HTX đạt tiêu chuẩn theo VietGAP và Lobo GAP…; nhiều sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận OCOP 3 và 4 sao, nông dân được hướng dẫn đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Việc gắn mã code cho cây trồng, giúp người trồng và người tiêu dùng nắm rõ được quá trình sinh trưởng, phát triển của của cây. |
Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT tỉnh còn đẩy mạnh CĐS trong hoạt động điều hành, quản lý chuyên ngành, quy hoạch ngành; trong cấp mã vùng trồng, hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu; trong nâng cao năng lực quản lý vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, phòng chống thiên tai; trong tổ chức hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn về CĐS cho cán bộ, nông dân, hợp tác xã…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cho biết thêm: Thực hiện CĐS, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã thực hiện chuyển đổi phát triển hạ tầng số, xã hội số…; đến nay, đã đạt theo kế hoạch và lộ trình đặt ra.
Theo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã xây dựng cơ sở dữ liệu chung để đồng bộ CĐS trong ngành nông nghiệp của tỉnh và hướng đến đồng bộ trong toàn vùng Đông Nam Bộ và cả nước trong việc cung cấp thông tin chung về phát triển sản xuất, thị trường ngành nông nghiệp. Hiện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước tập trung vào thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện CĐS, ứng dụng khoa học công nghệ cho cấp xã và các ngành. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là cơ sở hạ tầng, nhân lực trong thực hiện CĐS chưa đồng bộ, nhất là ở cấp cơ sở. Các phần mềm của ngành còn đơn lẻ, vì vậy, Sở đã làm việc với các tư vấn để đồng bộ hóa dữ liệu trong tỉnh trước và sau đó hướng đến các tỉnh Đông Nam Bộ.
Cùng nắm tay đi trên “chuyến tàu” nông nghiệp số
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Mạnh Thường cho rằng, để CĐS đạt hiệu quả cao, Sở NN&PTNT tỉnh đã chủ động trong thực hiện tuyên truyền để bà con nông dân, các chủ HTX hiểu rõ vai trò của việc thực hiện CĐS, ứng dụng KHCN vào nông nghiệp. Trong đó, Sở đã tuyên truyền đến các HTX, nhất là HTX có các thành viên trẻ - những người yêu công nghệ, để lan tỏa và hiện thực hóa "câu chuyện CĐS" trong ngành nông nghiệp; đồng thời xây dựng mô hình, chính sách thu hút học sinh, sinh viên trẻ tham gia với các HTX để tập huấn cách thức thực hiện CĐS, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp.
Anh Đặng Dương Minh Hoàng chia sẻ với lãnh đạo TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước về ứng dụng CĐS trong nông nghiệp. |
Anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc trang trại Thiên Nông (thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, chia sẻ: Khoa học công nghệ đã giúp việc quản lý trang trại được chuyên môn hóa, mỗi người được giao cho một công việc cụ thể. Anh Hoàng cũng ứng dụng internet trong tưới tiêu, hệ thống camera quản lý từ xa… nhờ vậy mà trang trại vận hành hiệu quả. Ngoài ra, những cây bơ trong trang trại của anh đều được gắn mã code để người trồng và người tiêu dùng đều nắm rõ được quá trình sinh trưởng, phát triển của trái bơ, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy suất được nguồn gốc sản phẩm. Các sản phẩm của nông trại đều bảo đảm chuẩn hữu cơ nên đầu ra cho sản phẩm cũng khá ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo anh Đặng Dương Minh Hoàng, số hóa trong nông nghiệp, sản xuất xanh sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân; tuy nhiên, chi phí để mỗi lần làm chứng nhận các tiêu chuẩn như VietGAP, Global GAP và phần mềm quản lý cũng rất tốn kém. "Để hài hòa được lợi ích trong chuỗi sản xuất, các hộ liên kết, HTX sẽ ký kết với các hội viên về việc đầu tư-sản xuất-thu mua một cách khép kín. Chi phí đầu tư sẽ được tính ở một mức nhất định trên mỗi một sản phẩm, thí dụ như thu 1.000 đồng/kg sản phẩm với bơ, sầu riêng, cà-phê… Với cách làm này, các nhà cùng bắt tay dắt nhau đi xa hơn", anh Hoàng chia sẻ.
Thêm vào đó, anh Đặng Dương Minh Hoàng cũng nhấn mạnh: "Xu hướng ăn sạch đang được người tiêu dùng rất quan tâm và tìm kiếm nông sản hữu cơ. Vì vậy, nếu chúng ta sản xuất nông sản hữu cơ, nhưng không biết ứng dụng nông nghiệp số, thì cũng mất nhiều cơ hội để kết nối người tiêu dùng, tạo niềm tin cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu. Thực sự với nông nghiệp, CĐS là chuyến tàu không thể lỡ. Muốn tiết giảm chi phí, giảm bớt các khâu trung gian, minh bạch lý lịch sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất, người thu mua, người tiêu dùng có thể giám sát từ xa…, thì chuyển đổi số là con đường tất yếu. Thực tế từ câu chuyện của chính mình, tôi cho rằng, nếu kiên định với con đường CĐS thì chắc chắn sẽ gặt hái được những thành công cả về mặt kinh tế và nhân hiệu một các bền vững".
Tham gia vào quá trình CĐS trong nông nghiệp, từ tháng 3/2021, anh Hoàng đã kết nối những nông dân tiên tiến trên địa bàn tỉnh để thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước. HTX này chính là đại diện triển khai nền tảng AutoAgri dùng để quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số nông nghiệp. HTX đã thí điểm số hóa hơn 1.400 cơ sở gia công chế biến sản phẩm điều của Bình Phước và ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước để hỗ trợ chuyển đổi số cho các nông hộ, doanh nghiệp, kết nối chuỗi nông sản nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu bền vững.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp thương hiệu Điều Bà Tư khẳng định chỗ đứng tại thị trường trong và ngoài nước. |
Cùng chia sẻ với chúng tôi, bà Hoàng Khánh Hòa, Quản lý vận hành Hạt điều Bà Tư Bình Phước, Đại diện Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Gia Bảo, cho biết: Sản phẩm hạt điều Bà Tư đã được bày bán ở nhiều hệ thống siêu thị lớn trong nước như: BigC, AEON, Satra… và nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc… Hạt điều Bà Tư đã tận dụng triệt để sự phát triển của khoa học công nghệ vào quản lý, vận hành sản xuất trong từng khâu. Từ khi trồng, chăm sóc, Công ty đã quản lý và tổng hợp trên hệ thống phần mềm, từ đó đánh giá sản lượng, chất lượng hạt… nhờ vậy, kiểm soát tốt việc hư hao, đảm bảo lượng nguyên liệu đủ cho sản xuất và đảm bảo chất lượng ổn định.
“Khi làm việc trực tiếp với người nông dân thì việc CĐS với họ còn khá là xa lạ, vì vậy, Công ty sẽ đơn giản hóa, áp dụng CĐS vào thu thập dữ liệu và tổng hợp dữ liệu đầu ra, đồng thời chia sẻ các thông tin với bà con nông dân, như vậy người nông dân sẽ gián tiếp tiếp cận với CĐS”, bà Hòa thông tin. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, Doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, chính quyền, nhất là trong việc thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển ổn định, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Theo bà Hoàng Khánh Hòa, mục tiêu của Điều Bà Tư là tiếp tục mở rộng trên thị trường quốc tế, ghi dấu ấn hạt điều Bà Tư trên bản đồ quốc tế, trong đó sẽ hướng đến thị trường lớn là Trung Quốc. Vì vậy, việc ứng dụng khoa học công nghệ, cũng như thực hiện CĐS là cần thiết và sẽ được Công ty tiếp tục đẩy mạnh, để khách hàng có thể truy vấn nguồn gốc, nắm rõ được sản phẩm mình đang sử dụng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước, cho biết: Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã và đang tích cực đẩy mạnh CĐS ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong đó, đáng chú ý là việc BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 về CĐS đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước, với quyết tâm: Đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Về lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết 04 nêu rõ: Thực hiện từng bước trong từng khâu sản xuất, từng sản phẩm; từng trang trại, doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025 có 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5 - 7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa. Thực hiện thí điểm chuyển đổi số toàn diện mô hình hợp tác xã tiêu hữu cơ Lộc Quang (huyện Lộc Ninh) và hợp tác xã Phước Thiện (huyện Bù Đốp). |
Tác giả: dunguyenict
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn