Quy trình tạm thời kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả, thu hoạch sầu riêng áp dụng cho giống sầu riêng Ri6, Dona tại các tỉnh phía Nam và nơi khác có điều kiện tương tự.
Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) vừa ban hành quy trình tạm thời kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng. Nội dung của Quy trình gồm 4 phần: Thụ phấn bổ sung, tỉa hoa, quả non; khắc phục hiện tượng sượng cơm, cháy múi; thu hoạch; phân loại, bảo quản.
- Thụ phấn bổ sung: Để quá trình thụ phấn diễn ra đầy đủ trên bầu nhụy nhằm tạo được quả không bị méo mó, dị dạng, nên giúp cây thụ phấn bổ sung. Thời điểm tiến hành thụ phấn từ 17 - 22 giờ (giống sầu riêng Dona có thể tiến hành thụ phấn từ 17 giờ, giống Ri6 có thể tiến hành thụ phấn từ lúc 18 giờ vì hoa bung phấn trễ hơn giống Dona). Mỗi vườn thực hiện trong 3 - 5 đêm vào thời gian hoa nở tập trung nhất.
Phương pháp thụ phấn bổ sung: Sử dụng chổi nylon (loại chổi nylon mềm, mịn để quét bụi) quét qua quét lại 3 - 5 lần trên phát hoa đang nở, sau đó di chuyển qua phát hoa đang nở khác tiếp tục quét như vậy. Lưu ý, bảo vệ các loại côn trùng, động vật hỗ trợ cho thụ phấn bổ sung trong vườn sầu riêng.
- Tỉa hoa: Cây sầu riêng thường ra nhiều đợt hoa, nhất là trong mùa nghịch. Do vậy, chỉ nên giữ lại và tỉa thưa hoa của 1 đợt (chọn đợt hoa nhiều nhất), tỉa bỏ hoa của các đợt khác tùy thuộc vào mức độ ra hoa và kế hoạch thời gian thu hoạch quả của nhà vườn. Tỉa bỏ những hoa hoặc cuống hoa nhỏ, hoa mọc quá khít nhau, hoa ở đầu cành.
Lưu ý, ngăn chặn ra đọt non trong giai đoạn ra hoa bằng cách tưới nước vừa phải, phun phân bón lá có chứa nhiều kali; phát hiện, phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại. Sử dụng phân bón, thuốc BVTV trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Tỉa quả: Công việc tỉa quả có thể được chia làm 3 lần chính như sau:
Lần 1: Tỉa quả vào tuần thứ 2 hoặc 3 sau khi hoa nở (của đợt hoa nhiều nhất). Cắt tỉa bớt quả của các chùm có quá nhiều quả, quả bị méo mó, quả bị sâu bệnh, quả phát triển không bình thường.
Lần 2: Tỉa quả vào tuần thứ 8 sau khi hoa nở. Tỉa những quả có dấu hiệu phát triển không bình thường, quả bị méo mó, quả bị sâu bệnh.
Lần 3: Tỉa quả vào tuần thứ 10 sau khi hoa nở, cắt tỉa những quả có hình dạng không đặc trưng của giống. Lưu ý: Không nên để lại quá nhiều quả trên cùng 1 cành, nhất là trên các cành nhỏ, cành có ít lá. Phun thuốc ngừa bệnh sau khi cắt tỉa quả, sử dụng thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
(Áp dụng cho cây bắt đầu cho quả, từ 4 năm tuổi).
Để khắc phục hiện tượng sượng cơm, cháy múi, cần điều khiển ra hoa sớm, tập trung, đồng loạt. Vườn tiêu thoát nước tốt. Tránh thu hoạch quả vào thời gian mưa nhiều, khi vườn đang ngập nước (có thể sử dụng bạt che phủ mặt liếp trước khi thu hoạch 10 - 15 ngày nếu dự báo có mưa nhiều để chủ động thu hoạch). Hạn chế ra đọt non trong giai đoạn phát triển quả bằng cách phun MKP (0-52-34), 50 - 100g/10 lít nước (hoặc KNO3 liều lượng 150g/10 lít nước), 7 - 10 ngày/lần, giai đoạn từ 3 - 12 tuần sau khi đậu quả.
Hạn chế sử dụng phân chứa clo. Sử dụng phân bón lá có chứa Bo, phun vào giai đoạn 2 - 3 tuần sau khi đậu quả để hạn chế hiện tượng cháy múi. Phun Ca(NO3)2 0,2% (8 tuần sau khi đậu quả); phun MgSO4 0,2% (2 tuần sau khi phun Ca(NO3)2); phun KNO3 1% (4 tuần trước khi thu hoạch).
- Để đảm bảo thu hoạch sầu riêng đúng thời điểm, không thu sớm (thu non) hoặc để quá muộn bị rụng ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã quả khi xuất bán, thời điểm thu hoạch cho từng giống như sau (tùy vào mùa vụ, vùng miền):
+ Giống sầu riêng Ri6: Thu hoạch từ 85 - 100 ngày sau khi nở hoa.
+ Giống sầu riêng Dona: Thu hoạch từ 110 - 130 ngày sau khi nở hoa.
Có thể dựa vào các thông tin, chỉ số khác để xác định thời điểm thu hoạch sầu riêng như: Khi đầu gai của quả có khoảng 3mm chuyển sang màu vàng nâu (còn gọi là “cháy gai”); quan sát tầng rời trên cuống phát triển rõ ràng, phình ra rõ hơn; cuống quả ít cứng hơn, linh hoạt hơn (dẻo hơn); khi gõ vào quả phát ra tiếng kêu vang rỗng.
- Thời gian thu hoạch: Lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh thu hoạch quả sau cơn mưa hoặc khi trời có nhiều sương mù.
- Cách thu hoạch: Dùng dao cắt cả cuống quả sầu riêng cho vào giỏ, tránh để quả tiếp xúc với đất, bị nắng hay mưa ướt. Trong quá trình thu hoạch, không để quả trực tiếp trên mặt đất, cần đặt quả vào dụng cụ chứa (không quá lớn), giữa các quả được chèn lót bằng các vật liệu mềm. Ngay sau khi thu hái, cần vận chuyển nhanh và nhẹ nhàng về kho/nhà đóng gói để tránh gây tổn thương cho quả (dụng cụ chứa và vật liệu chèn lót phải sạch).
Lưu ý: Thu hoạch sầu riêng phải đảm bảo thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Quả sau khi thu hoạch được vận chuyển về nhà sơ chế; phân loại quả theo kích cỡ khối lượng, hình dạng, màu sắc… và độ chín theo yêu cầu của thị trường. Loại bỏ các quả nứt, không đạt yêu cầu, hư hỏng do tổn thương cơ học hay nhiễm sâu bệnh. Sử dụng nước sạch để rửa quả, hong khô trong mát.
- Trữ quả trên kệ hoặc để trên tấm lót ngăn cách với sàn nhà, nơi thoáng mát, không xếp quả thành đống cao.
Lưu ý: Chỉ xử lý thúc chín quả theo hướng dẫn của nhà chuyên môn và phù hợp theo yêu cầu của nhà tiêu dùng, thị trường.
Cục Trồng trọt đề nghị sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp (KHKT NLN) Tây Nguyên phổ biến, hướng dẫn quy trình cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện có hiệu quả.
Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện KHKT NLN Tây Nguyên phối hợp với các sở NN-PTNT nghiên cứu tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện; đề xuất điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy trình cho phù hợp với thực tế sản xuất.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Cục Trồng trọt để xem xét, sửa đổi, bổ sung.
Trung Quân
Tác giả: dunguyenict
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn