Là một trong những địa phương có tổng đàn vật nuôi đứng đầu tỉnh Thái Nguyên, nhiều năm qua, huyện Phú Bình đã áp dụng rộng rãi chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hướng đến bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như đàn vật nuôi.
Theo đó, huyện Phú Bình đã tranh thủ nguồn hỗ trợ của tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh và nguồn ngân sách địa phương cho công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật, quy trình chăn nuôi tiên tiến; xây dựng các mô hình về chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP…
Đến nay, trong tổng số hơn 160 trang trại, gia trại trên địa bàn huyện, đã có đến 70% số trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; 10 cơ sở chăn nuôi được cấp Chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh; 18 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP…
Để phát huy thế mạnh về chăn nuôi của Phú Bình, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục được tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ ngân sách từ 3 - 4 tỷ đồng mỗi năm để tiêm phòng vacxin cúm gia cầm, tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng, tai xanh trên đàn gà và lợn.
Đồng thời, huyện Phú Bình sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, thực hiện phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh; phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ dân khử trùng, tiêu độc chuồng chăn nuôi đảm bảo đúng quy trình; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa mầm bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn…
Bạn đang đọc bài viết Chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi tại chuyên mục Thú y của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0369024447.
Phạm Trung
Tác giả: DVNN Trung tâm
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn