Anh Lang Văn Thuyết chuyển đổi vườn điều già cỗi, kém hiệu quả sang trồng nho công nghệ cao, tạo hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp tại Đắk Nông.
Anh Lang Văn Thuyết (SN 1990), người dân tộc Thái, quê Nghệ An. Năm 1994, khi anh mới lên 4 tuổi, gia đình chuyển đến huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) lập nghiệp.
Trên vùng đất mới, cuộc sống của gia đình anh giống như nhiều gia đình di cư khác, phụ thuộc vào nương rẫy, với các loại cây như điều, hồ tiêu, cà phê.
Năm 2012, anh Thuyết tốt nghiệp ngành vận hành nhà máy thủy điện tại Trường Cao đẳng Nghề quốc tế Nam Việt. Sau đó, anh làm việc cho một công ty lâm nghiệp ở huyện Tuy Đức.
Công việc này giúp anh có thu nhập ổn định nhưng đến năm 2018, anh quyết định nghỉ việc. “Tôi muốn tìm một hướng đi khác, tự chủ hơn về thời gian và có tiềm năng phát triển lâu dài”, anh Thuyết chia sẻ.
Năm 2020, anh Thuyết quyết định trở lại với sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực mà gia đình anh đã gắn bó lâu năm. Tuy nhiên, anh không đi theo lối canh tác truyền thống mà lựa chọn tiếp cận công nghệ cao.
Sau khi nghiên cứu các loại cây trồng và mô hình sản xuất, anh quyết định đầu tư 300 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà kính để trồng dưa lưới.
Ban đầu, anh Thuyết trồng dưa lưới 3 vụ/năm. Mặc dù, mỗi vụ đều có lợi nhuận nhưng anh sớm nhận ra việc trồng dưa lưới đòi hỏi nhiều công sức, từ khâu quấn ngọn, vặt chèo, thụ phấn cho đến việc kiểm soát độ ẩm và thời tiết.
Những công việc này gây nhiều khó khăn trong việc duy trì quy mô và ổn định năng suất. Do đó, anh bắt đầu tính toán chọn cây trồng khác để đầu tư.
Từ kinh nghiệm trong canh tác dưa, anh Thuyết hiểu rõ hơn về cách vận hành một mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Sau khi tìm kiếm một số loại cây trồng phù hợp hơn, anh Thuyết bắt đầu nghiên cứu về cây nho.
Anh liên hệ với các nhà vườn trồng nho ở nhiều nơi khác để học hỏi kinh nghiệm và mua giống. Qua thời gian thử nghiệm, anh nhận thấy cây nho thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, đất đai tại Đắk R'lấp, lại ít tốn công chăm sóc hơn so với dưa lưới.
Anh Thuyết chia sẻ: “Trồng nho công nghệ cao ít rủi ro hơn, không cần lo về thụ phấn hay độ ẩm cao như trước. Sau mỗi vụ, dù ít hay nhiều, đều thu được lợi nhuận và dần ổn định mô hình sản xuất".
Năm 2022, anh Thuyết chuyển đổi 750m² nhà kính đang trồng dưa lưới sang trồng nho công nghệ cao. Quyết định này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng.
Hiện tại, mỗi vụ thu hoạch anh có thể thu được khoảng 400kg nho, với giá bán tại vườn là 100.000 đồng/kg. Mỗi năm anh thu hoạch được 3 vụ nho. Doanh thu từ vườn nho 750m² đạt khoảng 120 triệu đồng/năm.
Theo anh Thuyết, sản lượng nho sẽ tăng lên theo từng năm do cây nho lớn lên và phủ giàn. Ưu điểm của trồng nho là chỉ xuống giống 1 lần và có thể thu hoạch liên tục trong 10 năm.
Trước những kết quả khả quan, anh Thuyết quyết định mở rộng sản xuất bằng cách xây dựng thêm 1.000m² nhà màng và trồng hơn 300 gốc nho mới. Điều này giúp tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng.
“Cây nho bắt đầu cho trái sau một năm, mỗi năm thu hoạch từ 2 đến 3 vụ, nên lợi thế lớn hơn so với các cây trồng truyền thống như điều hay cà phê,” anh Thuyết giải thích.
Ngoài việc mở rộng sản xuất, anh còn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh đang tìm hiểu, áp dụng các công nghệ mới như phân bón hữu cơ và hệ thống cảm biến theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, nhằm bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất.
Bên cạnh việc trồng nho để bán, anh Thuyết cũng nhận ra tiềm năng của việc kết hợp mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với du lịch trải nghiệm.
Hiện nay, anh quy hoạch vườn, đầu tư các hạng mục để mở cửa vườn nho cho du khách tham quan, trải nghiệm quá trình trồng và chăm sóc nho.
Vào vụ thu hoạch, anh thường đăng tải các hình ảnh vườn nho lên các trang mạng xã hội để du khách đến trải nghiệm và thưởng thức nho tại vườn.
Kết hợp du lịch không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm mà còn giúp quảng bá mô hình nông nghiệp công nghệ cao tới đông đảo người dân.
“Mô hình du lịch nông nghiệp đang ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Tôi hy vọng trong tương lai có thể đón các đoàn du khách đến tham quan, trải nghiệm thu hoạch nho và thưởng thức sản phẩm ngay tại vườn” anh Thuyết chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở việc thu hút khách du lịch, anh Thuyết còn lên kế hoạch xây dựng thương hiệu riêng cho vườn nho của mình, từ đó tạo thêm giá trị cho sản phẩm. Anh mong muốn sản phẩm nho của mình không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn vươn xa ra các thị trường lớn hơn.
Chặng đường khởi nghiệp của anh Lang Văn Thuyết không hề dễ dàng. Nhưng với lòng quyết tâm và tầm nhìn dài hạn, anh đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình với mô hình nho công nghệ cao tại Đắk R’lấp.
Mô hình không chỉ tạo thu nhập cho gia đình với sự kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp hiện đại và du lịch trải nghiệm đang mở ra một hướng đi mới, đầy tiềm năng cho ngành Nông nghiệp của Đắk Nông.
Trong nhà kính hiện đại, anh Thuyết đang đầu tư vào công nghệ tự động hóa toàn bộ quy trình chăm sóc cây trồng. Hệ thống tưới nước, bón phân và điều chỉnh môi trường đều được điều khiển từ xa chỉ bằng một nút bấm.
Công nghệ này giúp tiết kiệm thời gian, lao động và tối ưu hóa năng suất, giảm thiểu rủi ro về thời tiết và sâu bệnh. Đây là xu hướng mà nhiều nông dân đang hướng tới, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh nông nghiệp hiện đại.
Đức Hùng
Tác giả: DVNN Trung tâm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn