Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Bù Đănghttps://ttdvnnbudang.com/uploads/blank.png
Thứ hai - 14/04/2025 02:36
OCOP – Hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp huyện Bù Đăng
HINH1
OCOP – Hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp huyện Bù Đăng Trong những năm gần đây, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã trở thành một trong những chiến lược quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định thương hiệu địa phương. Tại huyện Bù Đăng, chương trình OCOP không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn mở ra hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp. Tính đến tháng 3 năm 2025, huyện Bù Đăng đã có 6 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 đến 4 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm tiêu biểu như hạt điều rang muối của Cơ sở SXKD Như Hoàng (xã Thọ Sơn), HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh (xã Đăk Nhau), Công ty TNHH Green Lotus (xã Đức Liễu), Công ty TNHH Đại Thành (xã Bom Bo) thể hiện rõ nét sự đa dạng trong chủ thể tham gia – từ hộ sản xuất, hợp tác xã đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các sản phẩm yến sào của hộ kinh doanh Dương Ngọc Quang (xã Đường 10) và hộ sản xuất Võ Đức Trung – nhà yến Bốn Xê (xã Đoàn Kết) đã khẳng định tiềm năng khai thác, chế biến và phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương.
Hình: Chứng nhận và sản phẩm đạt OCOP bốn sao của Cơ sở SXKD Như Hoàng Thành công bước đầu của chương trình là minh chứng rõ ràng cho định hướng đúng đắn của huyện trong việc phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các chủ thể. Nhận thấy tiềm năng to lớn từ chương trình OCOP, trong giai đoạn tới, huyện Bù Đăng sẽ tập trung phát triển theo chiều sâu, tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất nâng cấp sản phẩm đạt chuẩn cao hơn, hướng tới đạt 5 sao cấp quốc gia. Song song đó là việc mở rộng nhóm sản phẩm OCOP sang các lĩnh vực có lợi thế như dược liệu, cây ăn trái, sản phẩm từ rừng, ngành nghề truyền thống và phát triển sản phẩm du lịch nông thôn, góp phần đa dạng hóa nguồn lực kinh tế địa phương. Để đạt được mục tiêu này, huyện đặc biệt chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại, từng bước đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng đặc sản và các sàn thương mại điện tử, đồng thời xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm OCOP của huyện Bù Đăng. Công tác đào tạo, tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật – tài chính cho các chủ thể cũng sẽ được đẩy mạnh, giúp người dân nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận thị trường và phát triển sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, bền vững. Với sự đồng hành của chính quyền và quyết tâm từ người dân, chương trình OCOP tại huyện Bù Đăng không chỉ là điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống và khẳng định vị thế sản phẩm địa phương trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Trần Hoàng Lâm - Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Bù Đăng